Ngày 10/11, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với bà Manuela Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Một số nội dung chính được thảo luận gồm thí điểm đấu giá tín chỉ giảm phát thải dư thừa; chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao; dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL (MERIT).
Khai thác nguồn tài nguyên các bon
Phó Chủ tịch WB đề cao những nỗ lực không ngừng của ngành nông nghiệp Việt Nam. “Việt Nam là một điển hình cho khu vực và thế giới. Các sáng kiến của Việt Nam về tăng trưởng xanh như trồng rừng, bán tín chỉ các bon, nghiên cứu lúa giảm phát thải… đã được WB học hỏi và phát động ở Trung Quốc và Indonesia. Tín chỉ các bon là tài nguyên quý giá đối với nông dân sống phụ thuộc vào rừng, do đó WB mong muốn hỗ trợ các bạn thu lại lợi nhuận, tạo thương hiệu các bon Việt Nam trên thị trường thế giới”, bà Ferro nói.
Trước thềm Hội nghị COP28 (diễn ra từ 30/11 - 12/12), WB đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét thông báo về dự kiến đấu giá tín chỉ các bon dư thừa, tiên phong việc tài chính hóa giảm phát thải, thu hút sự quan tâm quốc tế. Lãnh đạo WB cho rằng, nếu Việt Nam công bố chính thức việc đấu giá tín chỉ các bon sẽ cho thấy sự đồng lòng của Việt Nam trong việc tài chính hóa giảm phát thải, hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Về Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA), 10,3 triệu tấn CO2 đã hoàn thành ngay tại kết quả kỳ báo cáo lần 1 và WB đã giải ngân cho Bộ NN-PTNT. Với 5,91 triệu tấn CO2 còn dư, Bộ sẽ đề nghị chuyển nhượng thêm 1 triệu tấn CO2 từ kết quả Báo cáo kỳ 1; thí điểm đấu giá từ 500.000 - 1 triệu tấn CO2; nghiên cứu phương án thương mại, chuyển nhượng lượng CO2 còn lại cho các đối tác tiềm năng để hỗ trợ phát triển rừng tại vùng Bắc Trung bộ.
Thời gian tới, Bộ sẽ cử chuyên gia giúp nâng cao năng lực cho các nhà tài trợ của Quỹ Tài chính các bon. Điều này đảm bảo các hoạt động hỗ trợ giảm phát thải và phát triển bền vững có thể được triển khai xuyên suốt giữa cơ quan quản lý, nhà tài trợ và nhà cung cấp tín chỉ các bon.
Đề án phát triển lúa gạo hỗ trợ 100 triệu nông dân ĐBSCL
Bên cạnh đó, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được triển khai từ năm 2024 với khoảng 300.000ha dựa trên diện tích vùng lúa thuộc Dự án VnSAT đã triển khai những năm trước đây. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh chương trình này không chỉ nhằm giảm phát thải khí mêtan mà còn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Thông qua các sáng kiến tái chế, xử lý rơm rạ, vùng ĐBSCL sẽ hạn chế được lượng khí thải từ việc đốt rơm sau thu hoạch.
Bộ trường cho biết: “Chính phủ đang rất quan tâm đẩy nhanh việc phê duyệt Đề án, nhất là ý nghĩa cộng đồng của việc chuyển đổi hệ thống nông nghiệp. Đề án không chỉ hỗ trợ 100 triệu nông dân ĐBSCL thay đổi mô hình sản xuất bền vững mà còn đóng góp vào an ninh lương thực. Hiện tại, để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi còn đợi ý kiến cuối cùng của Bộ Tài chính. Ngay khi được phê duyệt, Bộ NN-PTNT sẽ tiến hành rà soát toàn diện về nhu cầu vốn, đảm bảo rằng mục tiêu giảm phát thải được thực hiện một cách hiệu quả”.
Để hỗ trợ quá trình này, Bộ NN-PTNT sẽ thành lập nhóm Đối tác Đổi mới lúa gạo các bon thấp. Nhóm đối tác này sẽ bao gồm các đại diện từ tổ chức quốc tế (UNDP, FAO, UNIDO, SNV, GIZ…), doanh nghiệp lớn (Lộc Trời, Olan, Rara, Bayer…) và các ngân hàng (WB, ADB, IFC…). Các chuyên gia sẽ cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp trong lĩnh vực giám sát, báo cáo và xác minh (MRV), truyền thông, và ứng dụng công nghệ số để quản lý sản xuất lúa giảm phát thải.
Trong khuôn khổ chương trình phát triển lúa gạo bền vững, Bộ NN-PTNT có thể tận dụng nguồn tài chính trị giá 400 triệu USD do WB tài trợ. Sự tiếp cận nguồn vốn tài trợ này cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ đẩy mạnh quá trình chuẩn bị dự án, liên quan đến các hoạt động được ngân hàng tài trợ.
Tuy nhiên, theo các quy định mới của Luật Ngân sách và Luật đầu tư công, mỗi địa phương tham gia Đề án sẽ cần phải đề xuất dự án độc lập. Đây là một thách thức, nhưng Bộ NN-PTNT cam kết tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện quy trình này một cách thuận lợi nhất.
Nhiều thách thức về thủ tục và quy định nội bộ
Bên cạnh nhiều tín hiệu đáng mừng, Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL (MERIT) đã được chuẩn bị từ 2 năm trước nhưng sự chậm trễ trong việc phê duyệt có thể dẫn đến cắt nguồn tài trợ. Phó chủ tịch WB đề nghị Bộ NN-PTNT cần nhanh chóng trình Dự án MERIT tới Hội đồng quản lý WB. Bà Ferra nhấn mạnh: “Việc tăng tốc chuẩn bị dự án là vô cùng cần thiết để đảm bảo đời sống người nông dân ở ĐBSCL, nhất là khi El Nino sẽ kéo dài trong năm tới. Chúng tôi đề xuất Bộ NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thuộc dự án để đề xuất dự án được phê duyệt sớm”.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết đã trình đề xuất lần 2 đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính, nhận văn bản chỉ đạo từ Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi, cơ chế tài chính. Bộ đã tích cực cung cấp thông tin cần thiết, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ Bộ Tài chính.
Do đó, để theo dõi tiến độ chuẩn bị, vào ngày 9/11/2023, Bộ NN-PTNT đã gửi văn bản tiếp tục báo cáo đến Chính phủ, kêu gọi Bộ Tài chính thực hiện khẩn trương các chỉ đạo đã được Phó Thủ tướng giao.
Bên cạnh đó, quy định hiện tại không cho phép việc đồng thời nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi. Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét cơ chế phù hợp để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, đồng thời nhấn mạnh cam kết bố trí nguồn vốn đối ứng để chuẩn bị dự án đúng tiến độ.
Trước những thách thức này, Phó Chủ tịch Ferro đưa ra lời khuyên cho Bộ NN-PTNT: “Để triển khai dự án của WB, tôi luôn phải hợp tác với rất nhiều bên. Chúng tôi nhận ra phương châm làm việc: Hoàn thành tốt hơn là hoàn hảo. Có thể các bạn sẽ cần đơn giản hóa quy trình và chia nhỏ theo giai đoạn, “đóng gói” tài chính dựa trên các hạng mục theo chuyên ngành (hạ tầng, sản xuất, thiết bị…) hoặc theo phân cấp chính quyền (từ Trung ương đến địa phương)”.