Sáng 23 tháng 5 tại nhà Văn hóa xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ khai mạc khóa tập huấn “Kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị cà phê”. Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án “Xây dựng năng lực và phổ biến các mô hình Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại một số địa điểm của Việt Nam” do Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) phối hợp với Viện Khoa học phát triển nông thôn (SIRD) và Tổ chức phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tổ chức. Phiên khai mạc có sự tham dự của lãnh đạo ủy ban nhân dân, sở nông nghiệp tỉnh Sơn La; các cán bộ, giảng viên đến từ PSAV, SIRD và 81 học viên đến từ các xã trên địa bàn huyện Mai Sơn.
Trong 3 ngày từ 23 đến 25 tháng 5, khóa tập huấn hướng tới mục tiêu giúp cho bà con nông dân, các tác nhân và các bên liên quan chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính, vốn gây cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường, sang mô hình Kinh tế tuần hoàn. Chương trình được thiết kế nhằm giúp học viên nắm bắt những khái niệm cơ bản về Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; cách cách xử lý, sử dụng phụ phế phẩm cà phê và lúa theo hướng Kinh tế tuần hoàn; và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình xử lý phế thải từ các chuỗi giá trị lúa gạo và cà phê tại địa phương.
Phát biểu khai mạc tại đây, ông Nguyễn Khắc Hào - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn nhận định bức tranh tổng thể ngành nông nghiệp của Sơn La những năm gần đây có nhiều sự bứt phá nổi bật; khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế hàng hóa cao nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Do vậy, phát triển nông nghiệp xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn là hướng mở đưa ngành nông nghiệp Sơn La phát triển bền vững.
Cũng tại phiên khai mạc, bà Nguyễn Cẩm Thúy – Cán bộ Điều phối Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam cho biết Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã và đang thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân Sơn La, góp phần xây dựng mô hình khép kín, bảo vệ môi trường, tăng thêm nguồn thu, hình thành tư duy sản xuất mới. Đây là xu thế tất yếu, là mục tiêu đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, định hướng để phát triển xanh, nhanh và bền vững, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Bắc; bà Thúy tin tưởng rằng, với sự tham gia nhiệt tình và áp dụng những kiến thức được chia sẻ, mỗi người tham gia sẽ trở thành một tác nhân quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.